Tuesday 11 March 2014

“Hàn thử biểu” thị trường in

Sự kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước được xem là một trong những trở lực kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên In Trần Phú lại là một trong số ít ngoại lệ. Công ty nộp ngân sách nhiều nhất ngành, lương công nhân cao nhất ngành, trang thiết bị máy móc hiện đại nhất ngành.


Sự thành công của Trần Phú có trở thành bằng chứng ủng hộ cho vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước? Nói như thế e rằng hơi vội vàng. Tại Công ty Trần Phú, sau lớp áo Nhà nước là một cơ thể cường tráng, được vận hành theo tư duy thị trường. Những đổi thay ở Trần Phú mang đậm dấu ấn của ông Nguyễn Văn Dòng, người cầm lái doanh nghiệp này hơn một phần tư thế kỷ.
"Tôi từng đề xuất cổ phần hóa Trần Phú trong đợt đầu", ông Dòng nhớ lại. Trần Phú là một trong không nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm ăn hiệu quả. Bộ này cũng là đơn vị bị Thủ tướng phê bình vì những năm gần đây "chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào" trong phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 2 vừa qua.
"Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc. Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương. Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống...". Đoạn chế của dân gian ít nhiều vận vào Trần Phú thời điểm ông Dòng về nhận nhiệm vụ vực dậy doanh nghiệp này: năm 1987. Công ty trong buổi giao thời như một con tàu sắp chìm. Nền kinh tế tập trung bao cấp đã sản sinh những doanh nghiệp không cần thuyền trưởng. Tất cả đều được lắp sẵn bánh lái, định hướng sản xuất theo yêu cầu của Nhà nước. Thời thế thay đổi nhưng Công ty chưa kịp thoát thai khỏi tâm lý bao cấp, thụ động chờ đợi đơn hàng từ cấp trên. Chế độ tiền lương cào bằng không khuyến khích nhân viên làm việc, năng suất và chất lượng đều thấp, khách hàng bỏ đi. Sau khi gửi thư thông báo cho bộ chủ quản về việc tinh giản biên chế, nhưng bộ này đã không hồi âm. Xem như được bộ bật đèn xanh, ông bắt đầu sắp xếp lại hệ thống. Sau 3 năm, gần phân nửa lực lượng lao động tự nguyện "rời tàu".
Giải quyết xong vấn đề con người thì đến lượt công nghệ. Năm 1992, làng báo Việt Nam xuất hiện ấn phẩm 4 màu: tờ Lao động Chủ nhật, in ở Trần Phú. Một nhà báo từng tham gia tổ chức nội dung cho tờ báo này cho biết: "Lúc đó chỉ có Trần Phú đáp ứng được chất lượng ấn loát mà lãnh đạo tờ báo đòi hỏi". Năm 1994, Trần Phú quyết định đầu tư dàn máy in offset 4 màu của Đức, trị giá 1,2 triệu USD. "Chờ đến khi thị trường có nhu cầu mới đầu tư là chậm chân, nếu có thành công cũng không đáng kể", ông Dòng bày tỏ.
Khác với câu chuyện nhân sự, bộ chủ quản giám sát khá chặt chẽ mọi quyết định đầu tư của Trần Phú. Một thứ trưởng phụ trách ngành in của bộ chủ quản đã ngần ngại ký duyệt. Chưa kể xu hướng của những doanh nghiệp cùng ngành là sử dụng máy in đã qua sử dụng nhập từ Nhật, giá bán thấp hơn khoảng 10 lần. Có lãnh đạo doanh nghiệp còn nói chất lượng máy cũ rất tốt, "in được cả lịch tờ", mặt hàng lúc đó được thị trường đặc biệt ưa chuộng.
"Tôi mua máy đâu phải để làm... lịch tờ. Khách hàng tôi nhắm đến là tạp chí, nhãn hàng", ông Dòng cho biết. Có hai yếu tố khiến ông thuyết phục được cấp trên phê duyệt dự án. Một là không sử dụng vốn ngân sách. Hai là ông xác định tương lai của mình là ở Trần Phú. Ông nói: "Tôi xem Trần Phú như công ty của mình. Làm cho Trần Phú là làm cho mình". Có lẽ đó cũng là động lực khiến ông đầu tư đổi mới công nghệ trong suốt thời gian tại vị. Đầu tư là rủi ro. "Chỉ một lần thất bại, tôi sẽ bị rầy rà rất nhiều", ông nói.
Năm 1994 cũng được xem là thời điểm thị trường xuất bản phẩm bắt đầu bùng nổ. Hàng loạt ấn phẩm báo chí được cấp phép xuất bản. Tuy nhiên, thị trường in xuất bản phẩm, đặc biệt là mảng báo in, thoái trào từ năm 2008. Phần vì khủng hoảng kinh tế, phần khác là sức ép từ báo mạng. Theo sát xu hướng thị trường, Trần Phú bẻ ghi, đầu tư máy móc có cấu hình đặc biệt, lấn sân sang thị trường bao bì. Thế giới chia ngành in thành 2 mảng, in thương mại mà ở Việt Nam thường gọi là xuất bản phẩm và in bao bì. Doanh thu thị trường của 2 mảng này đã có sự đổi ngôi. Ngành in bao bì tăng trưởng liên tục, tỉ lệ hiện khoảng 75% quy mô thị trường. Năm 2012, ông Dòng nghỉ hưu. Hào quang để lại là doanh thu của Trần Phú đạt trên 400 tỉ đồng, trong đó mảng dịch vụ in nhãn hàng bao bì đóng góp khoảng 20% doanh số.
Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc. Vẫn làm nghề in nhưng ông Dòng không tham gia mảng dịch vụ cốt lõi của Trần Phú là in xuất bản phẩm. Đấy cũng là lời hứa của ông với những đồng nghiệp trong buổi tiệc chia tay. "Trước khi nghỉ hưu, đại diện quỹ đầu tư Mekong Capital tiếp cận tôi, thông báo quyết định rút toàn bộ vốn khỏi Công ty Minh Phúc, một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì. Giá hợp lý, tôi mua hết", ông nói, sau khi thừa nhận biết doanh nghiệp này làm ăn "cũng được". Khác với mảng dịch vụ xuất bản phẩm được Nhà nước bảo hộ, thị trường in bao bì lại được mở toang cho doanh nghiệp nước ngoài.
Thời điểm ông Dòng ngồi vào vị trí điều hành của Minh Phúc cũng là giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp này. Lãi suất cao, thị trường gặp khó khăn do suy thoái. kinh tế. Mặt bằng thuê của Nhà nước ở quận 8, TP.HCM bị giải tỏa; Công ty phải dời về Khu Công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân. Việc di dời khiến tiến độ sản xuất ít nhiều bị gián đoạn, chưa kể một số nhân viên cư trú ở khu vực lân cận quận 8 nghỉ việc vì họ nói Công ty quá xa nhà. Để giữ người, ông Dòng đã tăng lương lên 10 - 15%.
Kết thúc năm tài chính 2013, doanh thu của Minh Phúc tăng trưởng 10%, đạt trên 220 tỉ đồng. Hai mảng đóng góp lớn nhất vào doanh số của Minh Phúc là in nhãn bia và bao bì thuốc lá. Xem ra đây là 2 ngành ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Tổ chức Business International Monitor dự đoán ngành sản xuất bia giai đoạn 2012 - 2017 sẽ tăng khoảng 8%. Trưởng phòng vật tư của một công ty sản xuất thuốc lá (không muốn nêu tên) cho biết năm 2013 Việt Nam sản xuất gần 88 tỉ điếu thuốc, tăng 5,1% so với năm trước. Còn theo ông Dòng, thị trường bao bì vẫn tăng trưởng khoảng 5% - 10% tùy từng năm.
Năm 2014, Minh Phúc, doanh nghiệp thành lập cách đây 15 năm, có "nhà mới". Minh Phúc mua lại nhà máy của một doanh nghiệp thép. Một dàn máy in công nghệ mới từ Mỹ cũng sẽ về tay công ty này trong năm nay. "Máy vừa chạy được mấy trăm giờ nhưng giá bằng phân nửa máy mới. Bên bán thanh lý máy theo Luật phá sản", ông Dòng cho biết. Tổng giá trị đầu tư của Minh Phúc khoảng 100 tỉ đồng.Theo Nhịp cầu đầu tư.

0 nhận xét :

Post a Comment